Hội thảo về Công nghệ và quản lý cấp nước

Thứ hai - 02/01/2017 08:47
Nằm trong chuỗi các chương trình hoạt động Hội thao, Hội diễn văn nghệ vòng chung kết của Chi hội cấp nước miền Bắc lần thứ VII-2015 và Kỷ niệm 110 năm ngày thành lập,đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, Huân chương Độc lập hạng Nhất của Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, ngày 9.10.2015 tại Trung tâm hội nghị TP. Hải Phòng, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng phối hợp với Hội cấp thoát nước Việt Nam, Hiệp hội ngành nước Đức (German Water Partnership) tổ chức Hội thảo về công nghệ và quản lý cấp nước.
Hội thảo về Công nghệ và quản lý cấp nước
Đến dự Hội thảo có ông Cao Lại Quang, nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam, ông IMANAGA Hiroshi, Phó Thị trưởng TP. Kitakyushu,Nhật Bản, ông Vũ Hồng Dương, Chủ tịch Chi hội Cấp nước miền Bắc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cấp nước Hải Phòng, ông Nguyễn Đắc Hoàn, Cán bộ quản lý Dự án DEVIWAS(CHLB Đức), cùng các lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị hội viên Chi hội Cấp thoát nước miền Bắc.
 
Phát biểu khai mạc, ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam nhấn mạnh "Trong sự phát triển nhanh chóng của khoa học, ngành nước đã và đang là đối tượng được hưởng lợi nhiều từ những thành tựu phát triển của khoa học. Công nghệ mới đưa vào áp dụng trong sản xuất, kinh doanh đã mang lại nhiều lợi ích và thành công cho các doanh nghiệp, trong đó có các công ty cấp nước. Do vậy cần phải có phương thức quản lý phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực..."
 
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Cao Lại Quang cũng đã ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động của Chi hội Cấp nước miền Bắc, đơn vị đăng cai tổ chức chung kết hội diễn, hội thao, hội thảo khoa học, triển lãm quốc tế ngành nước.
 
Một số bài phát biểu tham luận tại hội thảo được quan tâm như: Các biện pháp giảm thiểu thất thoát nước của ông Takeda Daigo, Cục nước TP Kitakyushu; tăng cường và đổi mới công nghệ các quy trình xử lý nước và tái sử dụng nước của ông Chung Do One -Tư vấn trưởng Công ty Kunhwa; Một số công nghệ mới trong lĩnh vực cấp nước của PGS. TS. Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE), Trường Đại học Xây dựng.
 
Theo PGS.TS.Nguyễn Việt Anh: Ở hầu hết các đô thị, công tác quy hoạch, quản lý đô thị còn nhiều yếu kém, bất cập. Hầu hết ở các khu vực đô thị cũ đều sử dụng loại hệ thống thoát nước chung cho tất cả các loại nước thải và nước mưa. Các tuyến cống được xây dựng và bổ sung chắp vá. Nước thải nhà vệ sinh phần lớn chảy qua bể tự hoại (trên 90% số hộ đô thị) rồi xả ra HTTN chung. Úng ngập vẫn thường xảy ra ở nhiều nơi về mùa mưa. Tỷ lệ lượng nước thải đô thị được xử lý tăng từ dưới 10% năm 2005 lên khoảng 17% năm 2015 (WB, 2013, GIZ, 2015).
 
Một trong những trở ngại rất lớn để nâng cao mức độ bao phủ của dịch vụ cấp nước và vệ sinh là vấn đề tài chính. Cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư xây dựng, vận hành các hệ thống TN-XLNT tập trung. Tổng kinh phí đầu tư cho vệ sinh đô thị trung bình hiện nay khoảng 228 triệu USD/năm (WB, 2013), trong đó trên 80% kinh phí là nguồn vốn vay ODA (WB, 2013).
 
Công suất hoạt động của các nhà máy XLNT đô thị dao động trong khoảng 18,4% - 128% công suất thiết kế (WB, 2013). 45 trên tổng số 60 hay 75% số Trạm XLNT đô thị tập trung áp dụng công nghệ bùn hoạt tính, bao gồm cả bùn hoạt tính truyền thống (CAS), kỵ khí - thiếu khí - hiếu khí (A2O), bể phản ứng sinh học hoạt động theo mẻ (SBR) hay mương ôxy hóa (OD). Có tới 90% lượng nước thải đô thị được thu gom từ các HTTN chung, với giá trị BOD đầu vào trung bình 60 - 100 mg/L (WB, 2013). Giá trị BOD và tỷ lệ C:N trong nước thải thấp, không thuận lợi cho quá trình xử lý sinh học, trong khi công nghệ chủ đạo là bùn hoạt tính, dẫn tới khó khăn đạt quy chuẩn thải theo N, P, trong khi mức tiêu thụ năng lượng KWh/kg BOD hay KWh/m3 nước thải được xử lý vẫn cao. Chỉ một số ít đô thị dành được quỹ đất cho XLNT, cho phép áp dụng những công nghệ có chi phí đầu tư và vận hành thấp như hồ sinh học các loại, bể lọc sinh học nhỏ giọt…
 
Bên cạnh khó khăn về mạng lưới thu gom, một thách thức lớn trong thoát nước đô thị là việc đấu nối các hộ gia đình vào HTTN thành phố. Hầu hết các dự án thoát nước từ trước đến nay đều không có hợp phần này. Sau dự án, việc đầu tư của chính quyền đô thị hay cộng đồng cho việc đấu nối là rất khó thực hiện được. Các dự án điển hình có quan tâm đến hạng mục đấu nối là các dự án TN-XLNT ở Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Đà Nẵng, Bình Dương, … Đấu nối hộ gia đình là nội dung quan trọng để thu gom được nước thải về Trạm XLNT, huy động được sự tham gia của cộng đồng - những người sẽ trả tiền cho dịch vụ thu gom và xử lý nước thải, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của dự án TN-XLNT...
 
Thông qua các báo cáo, tham luận trình bày tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ thông tin về công nghệ xử lý nước, việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý mạng phân phối ở một số quốc gia phát triển. Đây cũng là dịp để các đối tác gặp gỡ, giao lưu và tìm hiểu về nhu cầu của nhau.

Nhân sự kiện này, một cuộc triển lãm quốc tế về kỹ thuật công nghệ và vật tư ngành nước cũng được khai mạc trước kiến của ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam và ông IMANAGA Hiroshi, Phó Thị trưởng TP. Kitakyushu,Nhật Bản.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây